Vào ngày khai giảng năm học mới tại một trường tiểu học của một thị trấn nhỏ Hoa Kỳ, cô giáo chủ nhiệm Thompson đứng trước những em học sinh lớp 5 của mình và hứa rằng sẽ yêu thương tất cả như nhau. Vậy mà trong lòng, cô lại thầm khó chịu với một em học sinh cá biệt trong trường đang ngồi ngay bàn đầu, đó là Teddy Stoddard với thành tích nổi tiếng là chơi xấu với bạn bè, học hành vào hạng kém, quần áo lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì bẩn thỉu hôi hám. Cô tự bảo: “Cái thằng trông thật khó ưa !”
Thế rồi, khi về nhà, khi phải xem lại tất cả các hồ sơ học bạ của từng học sinh thì cô thật sự ngạc nhiên khi thấy cô chủ nhiệm lớp Một đã từng nhận xét về Teddy là “một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ, học giỏi và chăm ngoan, là nguồn vui cho mọi người chung quanh...”
Còn cô chủ nhiệm lớp Hai thì ghi nhận: “Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quý, nhưng có một chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng, và cuộc sống trong gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu”.
Đến lớp Ba, em được đánh giá như sau: “Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái, và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ”.
Cuối cùng, năm lớp Bốn vừa qua, em bị đánh giá là: “Teddy tỏ ra lãnh đạm, không thích thú việc học, không có nhiều bạn, thỉnh thoảng lại ngủ gục trong lớp”.
Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn về những thành kiến đã dành cho Teddy. Thế rồi đến lễ Giáng Sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, riêng Teddy thì lại trao cho cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng xấu xí. Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi phải mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp, một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giơ lên một chiếc vòng kim cương giả đã cũ kỹ và bị sứt mất một vài hạt, ngoài ra còn có một lọ nước hoa còn sót lại một ít.
Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười chế nhạo dè bỉu kia khi cô khen chiếc vòng đẹp rồi đeo nó ngay vào tay, cô lại còn xịt một chút nước hoa lên cổ tay. Hôm ấy, Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô: “Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa !”
Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ tại lớp. Và kể từ đó, cô đã lưu tâm chăm sóc cho Teddy nhiều hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn của em để hướng dẫn thêm, em có vẻ phấn chấn hẳn lên. Và rồi em đã học tiến bộ rất nhanh Đến cuối năm thì Teddy đã là học sinh giỏi nhất lớp.
Một năm sau, cô nhặt được một mẩu giấy nhét qua khe cửa nhà mình. Teddy viết: “Cô ơi, cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em !”
Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và “cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em”.
Lại bốn năm trôi qua, cô nhận được thư của Teddy cho biết cậu sẽ quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, cho dù hoàn cảnh của cậu hiện rất là khó khăn đến mức tưởng chừng bế tắc. Cậu vẫn không quên kết luận: “Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời nhất của đời em”.
Lại thêm bốn năm sau nữa, cô nhận được bức thư Teddy báo tin đã đỗ tiến sĩ, và cậu quyết định sẽ còn học cao lên nữa. Bên dưới hàng chữ quen thuộc “Cô vẫn là người thầy tuyệt diệu nhất đời em” là chữ ký và hàng tên Theodore F. Stoddard, với chú thích nho nhỏ khiêm tốn: giáo sư tiến sĩ.
Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Còn thêm một bức thư nữa được gửi đến nhà cô giáo Thompson nay đã nghỉ hưu. Giáo sư Teddy kể lại việc đã gặp được một cô gái đáng yêu và chàng đã có ý định tiến tới hôn nhân. Chàng trình bày chuyện cha chàng đã mất cách đây vài năm, nên chàng mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí dành cho mẹ của chú rể.
Và đến ngày cưới của giáo sư Teddy, cô Thompson đã đến, trên tay vẫn đeo chiếc vòng kim cương giả cũ kỹ và bị sứt mất vài hạt mà chú bé Teddy đã tặng cô năm nào, cô lại còn dùng đúng thứ nước hoa mà Teddy nói rằng mẹ cậu đã dùng vào Lễ Giáng Sinh cuối cùng trước lúc bà mất. Cô giáo già và ông giáo sư trẻ tuổi đã ôm chầm lấy nhau trong nụ cười hòa lẫn nước mắt. Giáo sư thì thầm vào tai cô Thompson: “Cô ơi, em cám ơn cô vì cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy bản thân con người mình còn hữu ích, và cô đã cho em niềm tin rằng em sẽ khá hơn”.
Cô Thompson nghẹn ngào nói nhỏ với người học trò năm xưa: “Không, Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã chỉ ra cho cô thấy: cô có thể sống khác đi. Cô chưa từng biết dạy học thế nào cho đúng nghĩa, cho tới khi cô được gặp em...”
Biên tập lại từ báo TUỔI TRẺ CHỦ NHẬT 22.8.1999
Trích:Nối Lửa Cho Đời
0 comments :
Đăng nhận xét