Tình yêu của cô đã giúp tôi không biến thành một đứa trẻ hư hỏng, hoang đàng, giúp tôi sống đàng hoàng hơn, tự tin hơn. Và tôi luôn ao ước rằng, những đứa bé bất hạnh của ngày hôm nay sẽ may mắn biết bao nếu tìm được một tình yêu như tôi ngày đó...
12 tuồi tôi mới học lớp 4. Tôi học rất ì ạch, bài vở khi thuộc khi không, chữ viết thì vô cùng tệ hại. Học chung với đám bạn nhỏ hơn mình, tôi đã thấy “quê”. Đã vậy còn thường xuyên bị thầy cô mắng mỏ, tôi càng “quê” hơn. “Quê”, tôi đâm lì và chai đòn. Gia đình, trước những lời phê bút đỏ ngang dọc, những vết roi mây, thước kẻ của các thầy trên tay, trên mông tôi, cũng hò hét xáng tiếp cho tôi mấy bạt tai, vút cho mấy chổi lông gà đau điếng.
Cha tôi mất khi tôi vừa tròn tháng tuổi. Mẹ tôi – không chịu nổi cú sốc quá lớn – trở nên quẫn trí. Tôi lớn lên èo uột giữa những cơn tỉnh và say của mẹ. Khi tôi lên ba, mẹ tôi phải vào dưỡng trí viện, bà ngoại mang tôi về vì “thương thằng cháu côi cút”. Bà thương tôi nhưng các cậu, các dì thì không. Trong mắt họ, tôi là cục nợ. Các cậu, các dì dường như không hề biết đến tình yêu là gì. Họ không thể hiểu nổi tại sao một người đẹp nổi tiếng như mẹ tôi lại có thể yêu một người nghèo xơ xác trong thời buổi chiến tranh liên miên và có thể hóa điên khi người đó chết. Tội nghiệp bà tôi, mỗi lần bị các con đay nghiến, bà chỉ lẳng lặng. Bà già lắm rồi.
Mỗi lần tôi bị đòn, bị quỳ xong, bà thường ôm tôi vào lòng, xoa xoa lên người tôi, lấy dầu Nhị Thiên Đường thoa bóp hai đầu gối, nước mắt rưng rưng: “Cháu ơi, mần răng mà ra đến nỗi ni ? Sao cháu không gắng học để khỏi bị đòn, bị phạt ? Mệ già rồi, mần răng mà sống hoài với cháu ? Cháu gắng đậu đệ thất, rồi vô đại học ra làm làm bác sĩ, kỹ sư cho nở mày nở mặt với người ta...” Tôi giật phắt tay mình khỏi tay bà, hét to: “Nhà ni coi cháu như con chó. Khi mô mệ mất, các dì các cậu sẽ tống cháu ra khỏi nhà. Cháu cũng không cần mô. Cháu cũng sẽ đi bụi đời luôn”.
Bà ngồi khóc rấm rứt trong khi tôi chạy băng, chạy biến ra ngoài bờ sông. Các cậu các dì sẽ cho tôi về quê chăn trâu khi tôi học hết lớp 5. Với cái tuổi mười hai, tôi đủ khôn ngoan để biết phải giấu bà chuyện đó.
Sự trống rỗng ngập tràn trong tôi. Sẽ chẳng ai màng tìm hiểu vì sao tôi lại học kém, vì sao cái thân thể nhỏ thó của tôi lại có thể chịu đựng được những trận đòn thừa sống thiếu chết ? Vì sao nước mắt có thể cạn ở một đứa trẻ chỉ mới 12 tuổi ? Ước gì có một bà tiên đưa tôi ra khỏi cảnh sống này. Tôi gào lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi...”
Thế rồi cô tiên đã xuất hiện. Như một phép lạ. Sáng hôm đó, thầy hiệu trưởng vào lớp cùng với cô giáo mới. Cô mặc chiếc áo dài tím dịu, mái tóc đen nhánh nổi bật trên nền áo len trắng điểm vài cánh hồng nhạt.
Cô lật bảng điểm ra, điểm danh từng đứa. Khi gọi đến tôi, nhìn vào bảng điểm, đôi mày cô nhíu lại, một cái gì đó là lạ xao động trong mắt cô, mấy phút trôi qua cô mới bảo tôi ngồi xuống và tiếp tục điểm danh.
Sáng hôm sau, tôi đến lớp trễ, mang theo một vết hằn trên má. Đó là dấu tích của bàn tay cậu tôi, vì trời quá rét tôi đã không chịu dậy sớm nấu nước pha trà cho cậu. Tôi len lén bước vào chỗ ngồi, hy vọng sẽ không bị đòn vì tội đi trễ. Khi tôi đưa mắt ngó cô, tôi thấy cô đang chăm chú nhìn tôi, cái nhìn từa tựa ánh nhìn của bà tôi.
Giờ Địa Lý, cô gọi tôi lên trả bài. Đặt quyển vở lên bàn cô, tôi khoanh tay lại thản nhiên: ”Thưa cô, em không thuộc bài”. Lớp học im phăng phắc. Cây thước kẻ to đùng trên bàn như cũng đang nhìn tôi, đầy đe doạ.
Cô dịu dàng hỏi: “Sao em không học bài ?” Tôi ngạc nhiên, chưa có ai hỏi tôi câu đó cả. “Em bận làm việc nhà lắm phải không ?” Tôi mím môi. Cô đặt quyển tập vào tay tôi: “Thế này nhé, cô cho em về chỗ ngồi. Mai em lên trả bài cho cô”. Lớp học vẫn im phăng phắc...
...Tôi đặt vở trước mặt cô: ”Thưa cô, em trả bài”. Hít một hơi dài, tôi bắt đầu đọc: ”Tài nguyên khoáng sản nước ta: nước ta có hình cong như chữ S với diện tích là...” Cô đặt tay lên vai tôi: ”Giỏi lắm, em có thể về chỗ”. Tôi ngạc nhiên: ”Thưa cô, em thuộc hết bài mà”. ”Cô biết. Cái chính là em đã làm theo lời cô. Em ngoan lắm”. Cô quay xuống lớp: ”Nào, các em vỗ tay hoan hô bạn L. đi nào”.
Tôi ngượng ngùng cúi nhìn bàn chân đen đủi trong đôi dép nhựa rẻ tiền đang ngọ nguậy liên hồi. Tôi là một đứa trẻ ngoan à ? Phải rồi, bà tôi đã nói thế cơ mà. Bây giờ cô giáo tôi cũng nói nữa. Vậy là tôi vẫn là một đứa trẻ ngoan. Và học được. Và sẽ đậu vào đệ nhất trường công. Cô nói với tôi trong buổi trưa cô ngồi lại kèm thêm cho tôi: ”Em là một đứa trẻ ngoan, có tấm lòng. Em sẽ gặp được nhiều người tốt giúp đỡ, hãy tin cô !”
Vâng, tôi đã tin cô mặc dù đã chật vật rất nhiều khi bước vào đời. Sau năm 75, tôi phải xin đi làm phụ hồ, chạy xe ôm... để kiếm sống. Đó là những ngày tháng vất vả, khó khăn, Người tốt không nhiều như cô nói. Nhưng tôi không vấp ngã nữa. Bởi vì tôi đã may mắn được cô dạy dỗ, được cô truyền cho niềm tin vào chính mình. Tình yêu của cô đã giúp tôi không biến thành một đứa trẻ hư hỏng, hoang đàng, giúp tôi sống đàng hoàng hơn, tự tin hơn. Và tôi luôn ao ước rằng, những đứa bé bất hạnh của ngày hôm nay sẽ may mắn biết bao nếu tìm được một tình yêu như tôi ngày đó.
Bởi vì, không điều gì có thể cứu rỗi được một linh hồn, trừ tình yêu !
LD. ( Gò Vấp )
Trích Câu chuyện giáo dục – báo Tuổi Trẻ
Nguồn:http://hanhtrinhdanchua.net/
0 comments :
Đăng nhận xét