Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

ĐƠN GIẢN HÓA CUỘC SỐNG

0 comments

Sống giản dị là sống dựa vào những điều cơ bản, và những người giản dị thường là người sâu sắc. Quá chăm chút bề ngoài là người nông cạn, muốn dùng bề ngoài để khỏa lấp “khoảng trống” nội tâm.
Cuộc sống luôn nhiêu khê, thế nên phải biết đơn giản hóa để “dễ thở”, tự giải thoát mình. Chân thật, tôn trọng, tin tưởng, hạnh phúc và tình bạn là những phương thế giúp chúng ta tập trung vào những điều quan trọng.

Xin gợi ý “bí quyết” 12 chữ T, thiết tưởng khả dĩ giúp chúng ta sống giản dị, nhờ vậy mà thoải mái tinh thần:

1. TẬN HƯỞNG
Tận hưởng cuộc sống là sống tích cực từng khoảnh khắc của cuộc sống. Chúng ta thường nghĩ tới những điều chưa xảy ra, do đó chúng ta quên sống những giây phút hiện tại. Khi tận hưởng cuộc sống, bạn “nhâm nhi” chính hạnh phúc của cuộc sống.

2. THẢNH THƠI
Hãy dành thời gian “tháo gỡ” chính mình, “giải nén” chính mình, hoặc đơn giản chỉ là “làm ngơ” những gì gây rắc rối. Cuộc sống luôn phức tạp, đơn giản hóa được càng nhiều càng tốt. Mệt mỏi, căng thẳng và kiệt sức có thể bắt đầu làm bạn chán nản và thất vọng bất cứ lúc nào. Biệt dược hữu nhiệu nhất là nghỉ ngơi. Đó là tự làm cho mình thảnh thơi.

3. TÌM KIẾM
Có người tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời trong tôn giáo, có người tìm kiếm mục đích sống trong công việc, các mối quan hệ, nghệ thuật,… Tìm ra mục đích sống quan trọng hơn là hoàn tất một chiến lược nào đó để làm tăng mức hạnh phúc, có mục đích sống sẽ giúp bạn hạnh phúc.

4. THÍCH THÚ
Dòng chảy của niềm vui, sự phấn khởi và niềm hạnh phúc xảy ra khi bạn bị thu hút vào các hoạt động mà bạn yêu thích, niềm đam mê rất quan trọng. Hòa nhập vào dòng chảy đó là bạn chìm đắm vào đó, bạn bớt chú ý tới những điều phiền toái khác, thế là bạn hạnh phúc.

5. THỰC HIỆN
Một cách để có được niềm say mê đó là nhận biết và xác định sở trường và các giá trị của mình, rồi hằng ngày cứ “đeo bám” nó. Khi nhận biết sở trường và quyết tâm thực hiện, bạn có thể kết hợp vào mọi lĩnh vực của cuộc sống.

6. TÌM QUÊN
Ai cũng lỗi lầm, chuyện gì qua hãy cho qua, đừng nuối tiếc. Chúng khiến bạn không thể xác định các giá trị của mình, thế là bạn khó hạnh phúc. Khi sống với quá khứ, bạn bị “kẹt cứng” trong đó, không thể nhúc nhích về phía tương lai. Muốn bỏ lại quãng đời buồn ở phía sau, bạn phải cố gắng sống với hiện tại, chấp nhận những gì thực sự là của mình.

7. TRẢI NGHIỆM
Rút kinh nghiệm từ sự thất bại và nuối tiếc là hai điều khác nhau. Nuối tiếc thuộc cảm xúc, một cảm giác thất vọng hoặc xấu hổ vì sai lầm của mình. Nhưng nhìn lại sai lầm để tránh thì lại là điều cần thiết, đó là rút kinh nghiệm.

8. TRÁCh NHIỆM
Biết chia sẻ là sống có trách nhiệm. Hãy cho người thân của bạn biết điều bạn muốn đạt được. Chia sẻ cũng giúp bạn an toàn trên đường tới thành công, vì được người khác trợ giúp.

9. TỬ TẾ
Hãy nhường bước và giữ cửa cho người khác bước vô nơi nào đó, hãy xách dùm chiếc giỏ nặng cho người khác, hãy ân cần chào hỏi người khác,… Rất nhiều động thái đơn giản nhưng có giá trị nhân bản, dù chỉ là một ánh mắt thiện cảm hoặc một nụ cười. Tử tế là điều cần thiết trong cuộc sống.

10. THÔNG CẢM
Nhìn để hiểu biết, để thông cảm. Nhờ đó mà biết lắng nghe. Lắng nghe chứ không chỉ trích hoặc chê trách. Hãy cố gắng tránh mọi động thái kiêu căng để có thể lắng nghe người khác. Biết lắng nghe luôn có lợi hơn nói nhiều: Nói là gieo, nghe là gặt.

11. THƯƠNG YÊU
Hãy thể hiện lòng yêu thương với mọi người. Yêu thương chân thành chứ không giả bộ, lấy lòng. Hãy yêu thương họ như lần cuối bạn thể hiện yêu thương đối với họ. Đừng chần chừ, có thể bạn không còn cơ hội nữa đâu!

12. THA THỨ
Nhân vô thập toàn. Ai cũng mắc sai lầm – có thể là trong quá khứ, trong hiện tại, và thậm chí là trong tương lai. Không ai có thể khó với bạn hơn chính bạn. Hãy tự tha thứ cho mình – và tha thứ cho người khác, nhờ đó bạn có thể nhận ra các giá trị đích thực của mình – và của người khác. Hãy tập trung vào những gì bạn sẽ làm ngày hôm nay, ngay bây giờ, để có thể cảm thấy thoải mái với chính mình. Bạn xứng đáng nhận được những điều tốt lành của cuộc sống, và bạn đủ tư cách được nhận những điều đó.

Trầm Thiên Thu

0 comments :

Đăng nhận xét