Thứ Tư, 27 tháng 7, 2016

THIÊN CHÚA ĐÁP LẠ LỜI CẦU NGUYỆN

0 comments
Xuyên suốt lịch sử nhân loại, con người không ngừng tìm kiếm Nước Trời, mong muốn được chấp nhận lời cầu nguyện. Ngày nay cũng vậy, nhưng nhiều người nói rằng Thiên Chúa không lắng nghe hoặc không đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta tìm, chúng ta gõ, chúng ta xin – vẫn vô ích.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã mặc khải những điều Ngài muốn chúng ta làm để được Ngài nhậm lời: “Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó” (2 Sbn 7:14).





KÝ THÁC
Bước đầu tiên và quan trọng là chúng ta phải biết KÝ THÁC cuộc đời cho Thiên Chúa. Nói thì dễ nhưng sự thật là chúng ta vẫn giữ lại cho mình, chúng ta chưa thực sự tín thác cho Ngài. Chúng ta chỉ trao phó cuộc đời mình tùy hứng, khi nào “kẹt” lắm thì mới tín thác!
Câu 2 Sbn 7:14 bắt đầu bằng điều rất riêng tư, thuộc quyền sở hữu của chúng ta. Thiên Chúa nhận chúng ta là DÂN CỦA NGÀI. Nếu chúng ta giữ lại điều gì đó, chúng ta chưa thuộc về Thiên Chúa. Như vậy, điều tiên quyết và quan trọng nhất chúng ta phải thực hiện là hoàn toàn ký thác cuộc đời mình cho Ngài: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5).

KHIÊM NHƯỜNG
Khi chúng ta hoàn toàn ký thác cuộc đời cho Thiên Chúa, Ngài yêu cầu chúng ta phải KHIÊM NHƯỜNG. Cũng vậy, nói dễ mà làm khó! Chúng ta phải cố gắng khiêm nhường vì chúng ta rất dễ tự cao tự đại, cứ tưởng mình là “cái rốn của vũ trụ”.
Thiên Chúa muốn chúng ta khiêm nhường vì Chúa Giêsu là Thiên Vương mà lại sinh nơi máng cỏ đơn nghèo. Chúng ta không ai muốn ở nơi đó, nhưng Thiên Chúa lại yêu thích nơi đó.

CẦU NGUYỆN
Chắc chắn ai cũng muốn lời cầu nguyện của mình được Thiên Chúa nhậm lời, nhưng điều này mời gọi chúng ta phải trải nghiệm việc cầu nguyện bằng những cách mà chúng ta chưa từng biết. Thiên Chúa mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài qua việc cầu nguyện, kết hiệp sâu xa hơn – gọi là chiêm niệm. Khi chúng ta muốn được đáp lại, chúng ta có thể chìm sâu vào Thánh Ý của Thiên Chúa.
Nếu chúng ta không thành công trong việc hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, chúng ta không thể đắm mình trong việc cầu nguyện sâu sắc. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện bình thường theo ý mình mà không theo ý Ngài. Đừng bao giờ XIN NHƯ Ý (ý mình) mà hãy XIN NHƯ Ý CHÚA, vì ý mình ích kỷ và có thể sai lầm chứ không thể như Ý Chúa!

TÌM KIẾM CHÚA
Cầu nguyện giúp chúng ta biết cách TÌM KIẾM Thiên Chúa. Và chúng ta có thể thấy Ngài ở khắp mọi nơi: Trong tiếng cười của trẻ em, hoặc trong lời than van của người đau khổ. Thiên Chúa hiện hữu trong ánh nắng, trong đám mây, trong cơn mưa, trong niềm vui, trong nỗi buồn,… Chúng ta kết hiệp với Ngài trong mối quan hệ như vậy là Thiên Chúa ở khắp mọi nơi – và chúng ta phải tạ ơn về sự hiện diện của Ngài ở khắp nơi.

TỪ BỎ ĐƯỜNG XẤU
Bản chất con người yếu đuối, tội lỗi, nên chúng ta muốn che giấu. Ông Bà Nguyên Tổ và Cain có giấu được tội lỗi mình? Như vậy, bước đầu tiên để được Thiên Chúa nhậm lời là chúng ta phải DỨT KHOÁT với đường xấu. Các thánh là những người đi trước chúng ta, các ngài cũng đã phải dứt khoát với cái xấu để tìm kiếm Ngài và hoàn toàn kết hiệp với Ngài, đường xấu của chúng ta thật đáng ghét vì chúng ta biết rằng đó là cái đáng ghê tởm đối với Đấng mà chúng ta tôn xưng là Thiên Chúa chí thánh.

BIẾN ĐỔI
Khi chúng ta đã có mối quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, Ngài sẽ lắng nghe và đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta. Và chúng ta được BIẾN ĐỔI. Ở đây chúng ta thấy rằng ai can đảm đứng dưới chân Thập Giá thì sẽ được cứu độ và được phục sinh trong Ánh Sáng của Đức Giêsu Kitô.
Ghi chú: Nữ tác giả Cheryl Dickow là chủ tịch Hội Sách Bezabel, tác giả cuốn “Elizabeth: A Holy Land Pilgimage” (Êlidabét: Cuộc Hành Hương Thánh Địa) và cuốn “Our Jewish Roots” (Nguồn Gốc Do Thái). Chị sống tại tiểu bang Michigan với chồng và ba con trai. Tác phẩm của chị xuất hiện nhiều trên các website và báo chí.
Source & Author: CHERYL DICKOW
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)

0 comments :

Đăng nhận xét