Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Một Phút Tầm Phào (Anthony de Mello, SJ.) - Một

0 comments
Một
               “Ông ta chỉ nói tầm phào” – khách bình phẩm sau khi nghe Thầy nói.
Một đệ tử đáp: “Cả anh nữa, anh cũng phải nói tầm phào, nếu như anh muốn diễn tả điều không thể diễn tả được.”



Khách ngẩn ngơ không hiểu, đem chuyện này hỏi lại trực tiếp với Thầy. Thầy trả lời: “Ai cũng nói tầm phào thế thôi. Có điều là người ta nói tầm phào một cách quá trịnh trọng.”
Ông Thầy trong các câu chuyện này không phải là một người duy nhất. Đó là một guru Ấn Độ, một thiền sư của Thiền Tông, một đạo sư Lão giáo, một rabbi Do Thái, một đan sĩ Kitô giáo, một nhà thần bí Hồi giáo. Đó là Lão Tử hay Socrates, Đức Phật hay Đức Giêsu, Zarathustra hay Mohammed. Giáo huấn của Thầy được tìm thấy ở thế kỷ 7 trước công nguyên hay thế kỷ 12 sau công nguyên. Sự minh trí của Thầy thuộc Đông phương lẫn Tây phương. Căn cước con người lịch sử của Thầy, nói cho cùng, có thực là điều quan trọng không nhỉ? Lịch sử, đó chỉ là sự ghi lại những sắc tướng bên ngoài chứ không phải Thực Tại. Lịch sử chỉ ghi lại những thuyết lý này nọ chứ không phải sự Thinh Lặng.
Bạn mất chỉ một phút thôi để đọc mỗi mẩu chuyện sau đây. Rất có thể bạn sẽ nhận thấy rằng ngôn ngữ của Thầy sao thật báng bổ, kỳ cục, hay thậm chí quá lẩn thẩn. Mà này, bạn đừng quên đây là một quyển sách khó đọc. Nó được viết ra không nhằm để chỉ bảo nhưng là để đánh thức. Giấu ẩn trong những trang sách này (không phải trong các chữ in,cũng không phải trong các chuyện kể, mà là trong cái thần, cái thái, cái khí của nó) là một Minh Triết vốn không thể được chuyên chở bởi ngôn ngữ con người. Biết đâu khi đọc qua mỗi trang sách này và vật lộn với thứ ngôn ngữ kỳ bí của Thầy, bạn sẽ bất chợt bắt gặp Lẽ Khôn Ngoan Thinh Lặng bàng bạc trong quyển sách, và bạn sẽ được đánh thức, được biến đổi. Minh Triết là gì? Nó có nghĩa là bạn được thay đổi mà không có tí mảy may cố sức nào. Thực vậy, bạn được thay đổi duy chỉ qua việc ý thức Thực Tại - một Thực Tại vốn không phải là những ngôn từ và nằm ngoài tầm với của những ngôn từ.
Nếu bạn may mắn được đánh thức như thế, bạn sẽ hiểu tại sao ngôn ngữ kỳ diệu nhất là ngôn ngữ không được nói lên, hành động kỳ diệu nhất là hành động không được làm ra, và sự thay đổi kỳ diệu nhất là sự thay đổi không được khao khát.

CẢNH BÁO: Hãy đọc các câu chuyện này với liều lượng nhỏ thôi, mỗi lần đọc một hay hai chuyện. Sử dụng quá liều, bạn sẽ làm giảm công hiệu của chúng đấy!

Một đệ tử nói với một người mới đến tu viện: “Tôi xin cảnh báo trước với anh rằng anh sẽ không hiểu một lời nào của Thầy nếu như anh không có một thái độ thích đáng.” 
“Thế nào là thái độ thích đáng?” 
“Đó là thái độ của một học sinh say mê học một ngoại ngữ. Những lời Thầy nói nghe có vẻ quen quen, nhưng hãy coi chừng; vì ý nghĩa của chúng hoàn toàn khác hẳn.”
*
*  *
Khi cần phải phê phán, Thầy không ngại phê phán. 
Nhưng thật lạ là những lời phê phán của Thầy không bao giờ bị người ta chống chế. Có người thắc mắc, và Thầy giải thích: 
“Tất cả tùy ở cách mà bạn phê phán. Con người ta cũng giống như những bông hoa: chúng mở ra đón nhận những giọt sương rơi nhè nhẹ, nhưng đóng lại khi trời mưa xối xả.”
*
*  *
“Một cách để khám phá các khuyết điểm của mình” - Thầy nói – “đó là quan sát những gì nơi người khác làm bạn khó chịu.” 
Thầy kể có lần vợ Thầy cất một hộp kẹo trên kệ nhà bếp. Chỉ một giờ sau, bà khám phá ra rằng hộp kẹo đã vơi đi rất nhiều. Toàn bộ lớp kẹo dưới đáy đã biến mất, và chúng nằm ngay ngắn trong một gói giấy được nhét trong túi xách của chị đầu bếp mới. không muốn làm to chuyện, bà chỉ kín đáo thu hồi số kẹo ấy và trả về chỗ cũ của chúng trong hộp; nhưng lần này bà đặt chiếc hộp vào trong tủ chén để tránh gây cám dỗ. 
Sau bữa cơm tối, chị đầu bếp bất thần tuyên bố sẽ nghỉ việc ngay tối hôm ấy. 
“Nhưng tại sao? Tại sao cô quyết định như thế?” Thầy hỏi. 
“Thưa ngài, tôi không làm việc cho những người ăn cắp trở lại cái mà mình đã bị ăn cắp.” Chị đầu bếp kiên quyết trả lời. 
*
*  *
Hôm sau Thầy tiếp tục kể câu chuyện về một anh trộm đột nhập vào nhà nọ. Anh đang định dùng bộc phá cho nổ tung két sắt đựng tiền thì chợt nhìn thấy một mảnh giấy đính trên cửa két sắt với giòng chữ: XIN ĐỪNG DÙNG THUỐC NỔ. KÉT NÀY KHÔNG KHÓA. CHỈ CẦN XOAY NÚT CỬA!  
Anh đưa tay vặn nút cửa, và ngay lập tức một bao cát rơi bịch trên đầu anh ta, đồng thời tất cả các đèn trong nhà bỗng bật sáng lên cùng với tiếng còi báo động ré inh ỏi, đánh thức mọi người trong lối xóm. 
Khi Thầy ghé thăm anh ta trong nhà giam, anh cay đắng nói: “Từ này về sau, làm sao tôi có thể tin tưởng ai được nữa?
*
*  *
Vị khách tình nguyện rửa chén bát sau bữa ăn tối. Thầy nói: “Anh có chắc là anh biết rửa chén bát không?” 
Khách nhanh nhẩu nói rằng đây là công việc mình vẫn thường xuyên làm. Thầy nói: “Ồ, tôi không nghi ngờ cái khả năng làm sạch chén bát của anh. Tôi chỉ nghi ngờ cái khả năng rửa chén bát của anh thôi.” 
Sau đó, Thầy giải thích với các đệ tử: “Có hai cách rửa chén. Một là rửa chén để làm cho chúng sạch. Hai là rửa chén để rửa chén.” 
Đám đệ tử ngơ ngác, dường như không hiểu. Thầy nói thêm: “Hành động thứ nhất là chết, bởi vì trong khi thân thể bạn rửa chén thì tâm thần bạn bị dính chặt vào mục tiêu làm cho chúng sạch; còn hành động thứ hai là sống, bởi vì tâm thần bạn và thân thể bạn cùng ở một nơi.”
*
*  *
“Giác ngộ” - Thầy nói – “có nghĩa là bất cứ lúc nào bạn cũng biết chính xác mình đang ở đâu. Một điều không hề dễ dàng!” 
Rồi Thầy kể về một ông bạn của Thầy tuy đã gần 90 tuổi nhưng rất được người ta mến mộ và mời mọc tham dự các đám tiệc của họ. Có lần, tại một buổi tiệc, có người hỏi ông ta tham dự bao nhiêu bữa tiệc nội trong buổi tối hôm ấy. 
“Sáu đám” – ông ta vừa trả lời vừa dán chặt đôi mắt vào cuốn sổ tay. 
“Cụ xem gì thế? Cụ kiểm tra thử sau đám này sẽ tới đám nào phải không?” 
“Không” – ông trả lời – “Tôi kiểm tra để biết bây giờ tôi đang ở đâu.”
*
*  *
Thầy rất dị ứng với các ý thức hệ. Thầy nói: “Trong một cuộc chiến tranh ý thức hệ, cái bị tiêu diệt là chính con người.” 
Rồi, Thầy giải thích thêm: 
“Người ta giết nhau để tranh dành tiền bạc hay quyền lực. Nhưng những kẻ sát nhân độc ác nhất là những kẻ giết người vì ý thức hệ.” 
*
*  *
Trong giờ thuyết giảng, Thầy nói: “Thiên tài của một nhà soạn nhạc được nhận ra nơi những nốt nhạc trong tác phẩm của người ấy – nhưng việc phân tích các nốt nhạc đó sẽ không cho thấy thiên tài của nhà soạn nhạc. Thiên Chúa mạc khải chính Ngài nơi tạo vật – nhưng việc nghiên cứu tỉ mỉ tạo vật sẽ không giúp bạn gặp được Thiên Chúa; cũng như bạn không thể tìm thấy linh hồn qua việc khảo sát kỹ lưỡng thân xác bạn.” 
Vào giờ giải đáp thắc mắc, có người hỏi: “Vậy thì bằng cách nào người ta có thể gặp được Thiên Chúa?” 
“Bằng cách nhìn ngắm tạo vật, chứ không phải phân tích chúng.” 
“Một nông dân nọ muốn khám phá vẻ đẹp của hoàng hôn, nhưng anh ta chỉ trông thấy mặt trời, những đám mây, bầu trời và chân trời… cho tới khi anh ta hiểu rằng cái đẹp không phải là ‘một sự vật’ mà đúng hơn đó là một cách nhìn. Bạn sẽ kiếm tìm Thiên Chúa trong vô vọng cho đến khi bạn hiểu rằng Thiên Chúa không thể được nhìn thấy như ‘một sự vật’. Cần phải biết cách nhìn Ngài - giống như các em bé với ánh nhìn tinh nguyên chưa bị bóp méo bởi các giáo thuyết và các niềm tin tiền cho.”
*
*  *
Cha của một nữ đệ tử xồng xộc bước vào phòng học khi Thầy đang giảng dạy. Phớt lơ mọi người trong phòng, ông quát con gái mình: 
“Mày bỏ ngang việc học ở đại học để tới đây ngồi dưới chân lão khùng này hả? Lão ta đã dạy cho mày cái gì?” 
Cô gái đứng dậy, bình thản kéo ông bố ra bên ngoài, và nói: 
“Thưa bố, ở đây con được dạy đều mà không một trường đại học nào đã từng dạy – đó là: đừng sợ bố và đừng xấu hổ vì những cử chỉ khiếm nhã của bố.”
*
*  *
“Người ta cần phải làm gì để Giác Ngộ?” Các đệ tử hỏi. 
Thầy đáp: “Bạn phải khám phá điều rơi xuống nước mà không làm mặt nước gợn sóng tí nào, đi xuyên qua rừng cây mà không làm lá cây xào xạc, đi qua cánh đồng mà không làm lắt lay dù chỉ một cọng cỏ.” 
Sau nhiều tuần gắng sức suy nghĩ nhưng chẳng hiểu gì, các đệ tử hỏi: “Thưa Thầy, đó là cái gì vậy?” 
“Cái gì à?” - Thầy đáp – “Nhưng nó đâu phải là một cái gì!” 
“Vậy thì nó không phải là cái gì cả?” 
“Có thể nói thế này.” 
“Nhưng làm sao người ta có thể tìm kiếm nó?” 
“Ta bảo các người kiếm nó hồi nào? Nó có thể được gặp thấy nhưng không bao giờ có thể được tìm kiếm. Bạn kiếm nó, bạn sẽ hụt nó.”
*
*  *
Tại bữa tiệc, Thầy ngồi bên cạnh một nữ diện viên. Thầy nghe chị say sưa tán chuyện tử vi với các thực khách xung quanh. 
Thầy nghiêng người sang và nói: “Cô không tin vào khoa chiêm tinh, phải không?” 
Dạ, thưa bác, cái gì cháu cũng tin chút chút.
*
*  *
người hỏi Thầy có tin vào sự may mắn không. 
“Có chứ”, Thầy vừa nháy mắt vừa trả lời, “Nếu không thì làm sao người ta giải thích được sự thành công của những kẻ mà họ không ưa.” 
*
*  *
Thầy rất lạnh lùng với những ai triền miên quay quắt trong xót xa và bứt rứt. 
“Sai quấy”, Thầy nói, “Điều đó chẳng là gì cả, trừ phi bạn cứ khư khư nghĩ đến nó.”
*
*  *
Thầy kể chuyện một người phụ nữ khiếu nại với cảnh sát rằng chị bị cưỡng hiếp. 
“Chị hãy mô tả gã đàn ông ấy” – viên cảnh sát nói. 
“À, trước hết phải nói hắn là một tên khờ.” 
“Chị nói gì? Một tên khờ à?” 
“Vâng. Hắn chẳng biết chi cả, và tôi đã phải giúp hắn!” 
Rồi, Thầy nói thêm: “Mỗi khi bạn bực mình về ai, hãy ngẫm xem bạn đã giúp người đó có thế nào trong việc làm bạn bực mình.” 
Mọi người nhìn Thầy, ngơ ngác. Thầy lại thêm: “Ai có thể làm bạn bực mình được, nếu bạn từ chối không bực mình.”
*
*  *
Người ta hỏi Thầy rằng nên sử dụng Thánh Kinh như thế nào. Thầy kể hồi còn là giáo viên ở trường, Thầy đã đặt cho các học sinh câu hỏi: “Bằng cách nào xác định được chiều cao của một tòa nhà với phương tiện là một phong vũ kế?” 
Một học sinh nhanh trí trả lời: “Em sẽ hạ cột phong vũ kế xuống trên một sợi dây, rồi đo chiều dài của sợi dây ấy.” 
“Thật khôn khéo, và cũng thật ngốc nghếch!” Thầy nhận xét. 
Rồi Thầy thêm: “Đó cũng chính là sự khôn khéo và sự ngốc nghếch của những người sử dụng đầu óc của mình để hiểu Kinh Thánh. Thực vậy, dùng đầu óc để hiểu một buổi hoàng hôn, hay để hiểu một đại dương hùng vĩ, hay để hiểu tiếng gió đêm rì rào qua rặng cây.”
*
*  *
Thầy nói: “Người ta không muốn dứt bỏ lòng ghen tị, nỗi lo lắng, sự đắng cay và tâm trạng dằn vặt của mình, vì những xúc cảm tiêu cực ấy đem lại ‘thích thú’ cho họ, giúp họ cảm thấy rằng mình đang sống.” 
Và Thầy minh họa bằng câu chuyện sau đây: 
Người đưa thư nọ cưỡi xe đẹp đi đường tắt xuyên qua một sân cỏ. Nửa đường, một con bò đực phát hiển ra anh ta và nó hùng hục rượt đuổi. Suýt chút nữa anh ta bị tấn công vào hàng rào. Thật là một phen bán sống bán chết! 
“Nó suýt húc được anh, phải không?” Thầy hỏi, sau khi đã quan sát từ đầu đến cuối sự việc. 
“Vâng”, người đưa thư trả lời, “lần nào nó cũng suýt húc được tôi như thế.”
*
*  *
Thầy coi thường các ý nịêm, Thầy cho rằng các ý niệm đi ngược lại ‘sự-hiểu biết- phi-ý- niệm’. Một nhà khoa học đến gặp Thầy để phản đối điều ấy. Ông cho quan điểm của Thầy không phù hợp với khoa học. 
Thầy gắng giải thích rằng Thầy vẫn ái mộ khoa học. Nhưng Thầy nói: “Sự hiểu biết của anh về vợ anh cần phải vượt quá sự hiểu biết có tính ý niệm của khoa học!” 
Sau đó, nói chuyện với các đệ tử, Thầy càng dứt khoát hơn: “Các ý niệm nhắm định nghĩa mọi sự. Và định nghĩa là hủy diệt. Các ý niệm chia cắt Thực Tại. Và bạn cắt xén cái gì, bạn sẽ giết chết cái đó.” 
“Như vậy các ý niệm hoàn toàn vô ích hở, thưa Thầy?” 
“Không. Cắt xén một bông hồng, bạn sẽ có những thông tin có giá trị - chứ không phải sự hiểu biết - về bông hồng ấy. Một giả sẽ có nhiều thông tin - chứ không phải sự hiểu biết - về Thực tại.”
*
*  *
Thầy cho rằng thế giới mà phần đông người ta nhìn thấy không phải là thế giới Thực Tại, song đó chỉ là thế giới do đầu óc của họ tạo ra. 
Một học giả đến gặp Thầy để tranh cãi về điều này. Thầy đặt hai chiếc que xuống đất theo hình chữ T và hỏi: “Ông thấy gì ở đây?” 
“Chữ T à?” - Thầy nói – “Trên đời này không có cái gì gọi là chữ T cả. Đó chỉ là một biểu tượng trong đầu ông thôi. Còn ở đây là hia cành cây gãy có dạng hai cái que. Thế thôi.”
*
*  *
“Khi bạn nói về Thực Tại.” Thầy tuyên bố, “đó là bạn đang cố gắng dùng ngôn từ để diễn tả Điều Không Thể Diễn Tả Được. Vì thế ngôn từ của bạn chắc chắn sẽ hiểu sai. Bởi đó những người đọc Thánh Kinh - sự diễn tả của Thực Tại - trở thành ngu đần và độc ác bởi vì họ không theo lương tri của họ mà là theo những gì họ nghĩ rằng Thánh Kinh nói.” 
Thầy minh họa điều nói trên bằng ngụ ngôn sau đây: 
Chàng trai nọ đến xin học nghề với bác thợ rèn của làng. Anh ta sẵn sàng làm việc tối đa với tiền công tối thiệu. Bác thợ rèn mau mắn bắt đầu chỉ dẫn chàng trai: “Nè, khi tôi gắp miếng sắt ra khỏi lò lửa, tôi sẽ đặt trên chiếc đe này; và khi anh thấy đầu tôi gật một cái, anh hãy đập búa vào đó.” 
Chàng trai học nghề làm đúng như điều mà anh nghĩ rằng anh đã được bảo phải làm. Ngày hôm sau, anh ta trở thành người thợ rèn của làng.
*
*  * 
Đệ tử nọ hốt hoảng vì lỡ phạm lỗi: Thầy bảo: 
“Những người không phạm một lỗi nào là những kẻ phạm lỗi lớn nhất - bởi vì họ chẳng cố gắng điều mới.”
*
*  *
Một người vô thần nói: “Thưa Thầy, có thật có một Thiên Chúa?” 
Thầy đáp: “Nếu anh muốn tôi hoàn toàn thành thực với anh, thì tôi sẽ không trả lời.” 
Về sau, các đệ tử thắc mắc tại sao Thầy đã không trả lời. 
“Bởi vì câu hỏi của anh ta là một câu hỏi không thể trả lời được.” Thầy nói. 
“Vậy Thầy là một người vô thần?” 
“Ồ không. Những người vô thần phạm sai lầm ở chỗ họ phủ nhận điều bất khả bàn tán.” 
Ngừng một chốc lát, Thầy nói thêm: “Còn những người hữu thần thì phạm sai lầm ở chỗ họ xác nhận điều đó.”
*
*  *
“Đâu là bí quyết của bình tâm?” 
Thầy đáp: “Hãy hết lòng cộng tác với những gì không thể tránh được.” 
*
*  *
Thầy trò đi ngang qua chỗ một ông mù ăn xin bên vệ đường. Thầy nói: “Hãy bố thí cho ông ấy.” 
Đệ tử thả một đồng bạc vào chiếc nón của người ăn xin. 
Thầy lại nói: “Sao không cúi đầu chào ông ta để tỏ sự kính trọng?” 
“Tại sao, thưa Thầy?” 
“Bạn cần tỏ ra kính trọng người ta khi bạn bố thí cho họ.” 
“Nhưng ông ấy bị mù mà!” 
“Ồ, rất có thể ông ta giả đò đấy chứ!”
*
*  *
Ngày càng thêm nhiều người gia nhập tu viện, và vì thế cần phải xây dựng một ngôi nhà lớn hơn. Một thương gia viết tấm séc một triệu đôla và trao cho Thầy. Thầy cầm và nói: “Được. Tôi nhận”. 
Người thương gia lộ rõ vẻ bất mãn. Một triệu đôla là một món tiền lớn, song Thầy chẳng buồn nói một lời cám ơn! 
“Đó là tấm séc một triệu đôla, thưa Thầy!” 
“Vâng, tôi biết.” 
“Dù tôi là người giàu có, song một triệu đôla vẫn không phải là một món tiền nhỏ đối với tôi, thưa Thầy!” 
“Anh muốn tôi cám ơn anh à?” 
“Lẽ ra phải thế.” 
“Sao tôi phải cám ơn nhỉ? Chính người cho mới phải biết ơn chứ!” Thầy nói.
*
*  *
Thái độ của Thầy đối với các công tác xã hội thật không rõ ràng. Khi thì Thầy rất quan tâm. Song cũng có những khi Thầy hoàn toàn dửng dưng. 
Đôi khi Thầy đưa ra lời giải thích rất khó hiểu cho tình trạng không nhất quán này. Thầy nói: 
“Những kẻ mong muốn làm điều thiện thì phải gõ cửa. Nhưng đối với những con người yêu thương thì cánh cửa luôn luôn mở rộng.”
*
*  *
Du khách nói: “Dân chúng ở xứ sở này thật nghèo. Nhưng xem ra họ chẳng bao giờ bận rộn gì cả!” 
Thầy đáp: “Đấy bởi vì họ không bao giờ nhìn vào đồng hồ.” 
*
*  *
Một đệ tử phải vội vã chạy về nhà khi nghe tin rằng ngôi nhà của mình đã bị cháy rụi. 
Đệ tử ấy là một người cao tuổi. Và khi ông quay trở lại, mọi người đều bày tỏ sự đồng cảm với ông. Riêng Thầy, Thầy chỉ nói: “Như vậy, chết sẽ dễ dàng hơn.”
*
*  *
Người Giác Ngộ - Thầy nói – là người nhận ra rằng mọi sự trên đời này đều hoàn hảo đúng như bản chất của chúng. 
“Vậy bác làm vườn thì sao? Bác ấy cũng hoàn hảo ấy?” Có người lên tiếng hỏi. 
Bác làm vườn của tu viện là một người đàn ông gù với cục bướu to trên lưng. 
Thầy nói: “Vâng, chiếu theo vai trò được đặt định cho bác ấy trong cuộc đời này, thì bác ấy là một ông gù hoàn hảo.”
*
*  *
Ý tưởng rằng mọi sự trên đời này đều hoàn hảo là một ý tưởng gây lúng túng nhiều cho các đệ tử. Vì thế, Thầy trình bày bằng một cách khác: 
“Thiên Chúa đan những tấm thảm hoàn hảo với các sợi chỉ là cuộc đời chúng ta, ngay cả với các tội lỗi chúng ta. Sở dĩ ta không hiểu được điều đó bởi vì ta mải nhìn mặt trái của tấm thảm.” 
Và, Thầy nói cô đọng hơn: “Điều mà một số người bảo là viên đá lấp lánh thì người thợ kim hoàn nhận ra là một viên kim cương.”
*
*  *
Các đệ tử rất bức xúc khi thấy lời dạy của Thầy bị chế nhạo trên một tờ tạp chí địa phương. 
Nhưng Thầy vẫn tỉnh bơ như không. Thầy nói: “Có cái gì là thật mà không bị ai cười nhạo không?”
*
*  *
Hồi còn trẻ, Thầy là một nhà hoạt động chính trị và lần nọ Thầy tổ chức một cuộc biểu tình phản đối chính phủ. Hàng ngàn người bỏ nhà cửa và công việc làm ăn để tham gia vào cuộc xuống đường. Vào lúc cuộc biểu tình sắp sửa bắt đầu, bất thần Thầy thông báo giải tán tất cả. Những người đi theo Thầy nhốn nháo phản đối: “Anh không thể làm thế được. Cuộc biểu tình này đã được chuẩn bị trong nhiều tháng và đã tốn phí nhiều công của. Người ta sẽ tố cáo anh vì sự thiếu kiên định của anh.” 
Thầy thản nhiên đáp: “Tôi phụng sự cho Sự Thật chứ không phải cho sự kiên định.”
*
*  *
Thầy dạy rằng một trong những lý do khiến người ta cảm thấy khổ sở là vì họ nghĩ rằng không có gì mà họ không thay đổi được. Thầy đặc biệt thích thú câu chuyện về người đàn ông nọ nói với chủ cửa hàng điện tử: “Vâng, cái radiô mà ông bán cho tôi có chất lượng âm thanh tuyệt vời; nhưng tôi muốn đổi một cái khác có chương trình truyền thanh hay hơn.”
*
*  *
“Bạn tìm kiếm điều gì?” 
“Bình an” – khách trả lời. 
“Đối với những ai tìm cách chống lại bản ngã của mình thì bình an đích thực chỉ đem lại cho họ sự quấy rầy.” 
Một nhóm tu sĩ đến xin Thầy chúc lành. Thầy cười hóm hỉnh: “Nguyện xin sự bình an của Chúa quấy rầy các anh luôn mãi.”
*
*  *
Sau một chuyến đi xa trở về, Thầy kể một kinh nghiệm mà Thầy cho đó là cả một bài học về cuộc sống. 
Lần nọ Thầy ghé vào một quán ăn lịch sự. Quán có bán đủ thứ, nào là súp gà, cà ri, và nhiều món hấp dẫn khác. 
Thầy gọi một tô súp. 
“Ông đi xe buýt ấy phải không?” Bà chủ quán hỏi. 
Thầy gật đầu.
“Không có súp, thưa ông!” 
“Cho tôi một cà ri nóng với cơm hấp hơi!” Thầy nói, tỏ vẻ ngạc nhiên. 
“Cũng không có, thưa ông, nếu ông đi xe buýt ấy. Ông có thể dùng bánh xăng uých. Còn những món kia, tôi đã mất cả buổi sáng để chuẩn bị, mà ông thì chỉ có mười phút để ăn. Tôi không đồng ý để ông ăn những món ông không có đủ thì giờ thưởng thức.”
*
*  *
Thầy chẳng có vẻ gì là nghiêm nghị cả. Mỗi khi Thầy lên tiếng nói, người nghe lại được dịp cười bò lăn bò càng – và điều này gây sốc cho những ai có cốt cách nghiêm trang cứng ngắt. 
“Ôi ta là một thằng hề!” Một vị khách lắc đầu nhận xét về Thầy. 
“Không, không” - một đệ tử lên tiếng – “Anh nhầm rồi. Một thằng hề sẽ làm cho anh cười nó; còn Thầy thì làm cho anh cười chính bản thân anh.”
*
*  *
“Làm sao để học cách tin tưởng vào Chúa Quan Phòng thưa Thầy?” 
“Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng” – Thầy nói – “Đó cũng giống như bạn bước vào một nhà hàng sang trọng mà không có một xu dính túi. Rồi bạn ung dung thoải mái xơi vài chục con sò với hy vọng bắt gặp một viên ngọc để thanh toán hóa đơn.”
*
*  *
Thật là một xì căng đan cho các đệ tử khi thấy Thầy chẳng sốt sắng mấy với việc phụng tự. 
Thầy nói: “Bạn cứ tìm cho mình một đối tượng để thờ kính, và bạn sẽ quên phắt đi điều thực sự thiết yếu, đó là sự thức tỉnh để có thể yêu thương.” 
Và Thầy dẫn lời Đức Giêsu nguyền rủa những kẻ lải nhải ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ và đồng thời không ý thức gì về những sự dữ mà họ đang làm. 
Có lần Thầy trao một trái chuối cho vị khách nọ. Vị khách quí trọng trái chuối đến nỗi loay hoay không biết phải làm gì với nó. 
Khi Thầy nghe kể lại về nỗi lúng túng của vị khách, Thầy nói: "Hãy bảo con lừa ngốc nghếch ấy ăn trái chuối đi!”
*
*  *
Một đệ tử mới tới nói với một đệ tử thuộc lớp đàn anh: “Sống ở đây với Thầy sao tôi cảm thấy mình học được quá ít?” 
“Hình như bởi vì bạn tới đây nhằm để học linh đạo ở Thầy, phải không?” 
“Vậy chứ anh đến đây để làm gì?” 
“Để xem Thầy buộc dây giày!”

Nguyên bản tiếng Anh
ONE MINUTE NONSENSE
Tác giả: ANTHONY DE MELLO, S.J.
Nhà xuất bản Loyola Press, Chicago
Bản dịch Việt ngữ: Lm. Lê Công Đức

0 comments :

Đăng nhận xét