Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

TIẾNG NÓI CỦA SỰ THINH LẶNG

0 comments
Sự gì phải đến sẽ đến. Sự thinh lặng là điều tất nhiên phải đến với bất cứ ai.

Tôi đón chờ nó. Thánh ý Chúa muốn vậy.

Tôi đón chờ bằng tâm tình tạ ơn.

Tôi tạ ơn Chúa về mọi ơn lành Chúa đã ban cho tôi. Một trong những ơn tôi phải tạ ơn đặc biệt, đó là ơn sống đức tin.

Đức tin mà tôi đã lãnh nhận cũng giống đức tin Chúa ban cho mọi con cái Chúa. Nhưng tôi sống đức tin ấy trong nhiều tình tiết khó khăn. Những khó khăn ấy xem ra nhiều tín hữu cũng đã trải qua. Nhưng họ không nói ra.

Nếu hôm nay, tôi nói ra đôi chút, thì thiết tưởng đó cũng là tiếng nói chung của sự thinh lặng. Sự thinh lặng như một hiện diện làm chứng và hiệp thông của tôi và của nhiều người.

Nhìn lại con đường sống đức tin trong lòng Quê Hương và Hội Thánh, tôi thấy đức tin của tôi và của nhiều người đã mang mấy điều sau đây.

1. Một đức tin mang dấu ấn sự sợ hãi.

Sự sợ hãi trong đời sống đức tin của nhiều người chúng tôi là một sự thật nên nói ra. Bởi vì tin trong sợ hãi là điều xấu.

Ta hãy nhớ lại sự sợ hãi của tiên tri Êlia. Vì sợ bà hoàng hậu Ideven, tiên tri Êlia đã đi trốn. Ban đầu ông trốn vào sa mạc, rồi đi suốt 40 ngày đêm cho tới núi Khôrep. Lúc thì ông ngủ dưới gốc cây, lúc thì ông ngủ trong hang (x 1V 19, 3-9). Êlia là tiên tri, mà còn sợ hãi đến mức đó.

Nếu cần thêm một minh chứng nữa về sự sợ hãi trong đức tin, chúng ta có thể nhìn lại các tông đồ Chúa Giêsu. Ở vườn cây dầu, khi thấy Thầy mình bị bắt, các ngài quá sợ, đã chạy thoát thân (x Mc 14, 50). Sau khi Chúa phục sinh, các tông đồ vẫn còn sợ. Họ họp nhau trong phòng đóng kín cửa (x Ga 20, 19).

Còn chúng ta, khi gặp nhiều trường hợp khó khăn, có người như cảm thấy mất hết các điểm tựa quen thuộc. Đức tin bấy giờ như chiếc xuồng nhỏ trôi giữa biển cả sóng cao gió mạnh. Trong sợ hãi đức tin chúng tôi đã chỉ còn biết tìm về một mình Chúa mà thôi. Và Chúa đã đến như Đấng Cứu độ đầy tình thương xót.

2. Một đức tin mang dấu ấn sự đau khổ.

Đức tin của chúng tôi không những đã trải qua nhiều sợ hãi, mà cũng đã nếm nhiều đau khổ. Những đau khổ lớn nhất là do thử thách về sự vâng phục ý Chúa.

Để dễ hiểu khía cạnh này, chúng ta có thể nhắc đến trường hợp ông Abraham. Ngài được Chúa dạy phải sát tế con mình là Isaac (x St 22, 1-19). Một gương vâng lời nữa gây nhiều đau khổ là trường hợp Đức Mẹ Maria. Mẹ vâng lời Chúa, nhưng vâng lời đó sẽ là một lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ (x Lc 2, 35).

Vâng lời của nhiều người chúng tôi cũng đã gây nên những mất mát. Chúng tôi vâng lời, mà không biết sự gì sẽ xảy ra, và mình sẽ được lợi gì. Phép lành của Chúa không được hứa hẹn. Cái hợp lý không xuất hiện với những lý luận tự nhiên. Sự vâng lời như dồn mình tới tận cùng giới hạn sự am hiểu, mà mình cho là sáng suốt.

Nhưng khi đức tin chịu vâng phục ý Chúa với sự chấp nhận hy sinh, thì con người chúng tôi đã khám phá ra rằng: Đời sống đức tin không thể tách rời khỏi sự vâng phục ý Chúa. Đó là một mầu nhiệm. Chính ở điểm đó mà nhiều người chúng tôi mới trở thành chứng nhân âm thầm của đức tin.

3. Một đức tin mang dấu ấn sự cô đơn.

Ngoài đau khổ và sợ hãi, đức tin của chúng tôi còn mang dấu ấn của sự cô đơn.

Hình ảnh sống động nhất về sự cô đơn là hình ảnh Chúa Giêsu trên thánh giá. Lời Người kêu thảm thiết: “Lạy Cha, sao Cha nỡ bỏ con” (x Mc 15, 34) diễn tả một sự cô đơn khủng khiếp.

Trong các người tin theo Chúa, không thiếu người đã trải qua những trường hợp cô đơn ghê sợ. Hoài nghi tiếp nối hoài nghi. Nhưng hoài nghi lại nuôi đức tin. Rồi đức tin lại nở sinh những hoài nghi mới. Con người sống đức tin như bị rơi vào con đường hầm tăm tối. Họ cầu nguyện, nhưng cảm thấy quá khô khan. Họ tìm Chúa, nhưng cảm thấy như Chúa vắng mặt. Họ nhìn xung quanh xem có ai tin được, nhưng hình như mọi người đều dửng dưng xa tránh.

Nếu ai hỏi họ tại sao đức tin họ lại cô đơn, thì họ không cắt nghĩa được. Và đó là cảnh cô đơn mênh mông rùng rợn. Nếu hỏi họ cô đơn nào nguy hiểm nhất? Thì đôi khi họ chỉ nói trống là: Từ nội bộ. Và đó là sự nghịch lý chua chát, mà thánh Gioan đã nói ngay ở đầu Phúc âm của Ngài (x Ga 1,11).

Xã hội và Giáo hội là chiến trường giữa thiện và ác. Khi não trạng coi trọng của cải danh vọng hơn đức tin đức ái phát triển mạnh ở đó, thì những ai đi ngược lại sẽ bị cô đơn. Sự cô đơn của đức tin thường hay bén nhạy. Nó cũng dễ đưa con người tới những suy tư về ý nghĩa cuộc đời và các biến cố. Những suy tư như thế là cửa mở ra về cõi đời đời.

Với “Tiếng nói của sự thinh lặng” trên đây, tôi muốn nói lên cảm tưởng này của tôi là: Đức tin ví được như một viên ngọc quý Chúa ban. Viên ngọc quý này sẽ phải được giữ gìn, và sẽ được sáng lên nhờ những thử thách. Có nhiều thử thách, nhưng nên để ý nhiều hơn đến sợ hãi đau khổ và cơ đơn. Vì thế, việc mà Chúa muốn chúng ta thực hiện không phải là tránh được những thử thách đó. Hành trình sống đức tin như thế sẽ phác hoạ lại lời thánh tông đồ Phaolô xưa:

“Kho tàng ấy, chúng ta lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt.

Chúng tôi luôn mang trong thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống cũng biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (x 2 Cr 4, 7-10).

Với nhận thức trên đây, tôi xin tạ ơn Chúa vì hành trình đức tin. Dù trong thing lặng, hành trình ấy chính là những vượt qua, nhờ cuộc thương khó của Chúa Giêsu là mục tử nhân lành. Người luôn ở trong đời sống chúng ta.

Xin âm thầm tạ ơn Chúa trong cõi thinh lặng.

Xin âm thầm tạ ơn Chúa với những người thinh lặng.


+GM JB Bùi Tuần

Sưu tầm từ :

0 comments :

Đăng nhận xét