Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

NHỮNG LÁ THƯ CỦA MẸ

0 comments
...Tất cả chỉ được khởi đi bằng một thái độ, một cử chỉ, một hành động nhỏ bé phát xuất từ lòng yêu thương...

Tại một trường nội trú dành cho nam sinh trung học, có một thiếu niên tên là Bop Lennoux . Khác hẳn các bạn, em chưa bao giờ nhận được một lá thư nào của gia đình, lý do vì cha mẹ em đã ly thân sau những bất hòa gay gắt, hơn nữa, họ cũng chẳng quan tâm gì đến con cái, gửi được Bop vào nội trú là coi như họ đã yên tâm, đường ai nấy đi, việc ai nấy làm...

Thật tội nghiệp cho Bop, chiều nào em cũng nhanh chân chạy ra đón cậu học sinh phụ trách việc phân phát thư tín, để rồi sau đó Bop lại tiu nghỉu quay vào giữa những tiếng nói cười hân hoan của bạn bè mới nhận được thư nhà. Cứ thế, đã gần nửa năm học, Bop vẫn trông ngóng một cách tuyết vọng...

Thế rồi đến một hôm,

cậu bạn thân nhất của Bop tên là Lawrence , một thiếu niên may mắn có được một gia đình thuận hòa hạnh phúc, cậu bé vừa nhận được thư của mẹ, cậu quay sang bên cạnh thì bắt gặp ánh mắt tủi thân của Bop. Lawrence buột miệng nói: “Bop này, tụi mình về phòng của tớ đi, hai đứa sẽ cùng đọc thư của mẹ tớ nhé !” Thế là hai cậu bé trong nháy mắt đã ngồi sát bên nhau, chụm đầu đọc thật to thật rõ từng chữ trong lá thư như thể các em mẫu giáo đang đánh vần, cả hai khuôn mặt cùng ánh lên nét rạng rỡ hồn nhiên...

Hôm sau, khi ra chỗ phát thư, Bop lại hỏi Lawrence: “Cậu lại có thư của mẹ nữa à ?” Lawrence lắc đầu: “Không, hôm nay là thư của chị hai tớ !” Bốp có vẻ buồn buồn, em quay sang hỏi một bạn khác: “Thế còn bạn, bạn có nhận được thư của mẹ bạn không ?” May sao, đúng là cậu bé ấy đang cầm trên tay lá thư của mẹ cậu thật. Bop rụt rè hỏi: “Bạn có thể cho mình được đọc chung lá thư này với bạn không ?”. Cậu bạn này tuy không thân với Bop lắm, nhưng cũng rộng rãi tốt bụng nên đồng ý ngay. Cậu ta nhanh tay bóc phong bì và bắt đầu đọc to nội dung lá thư cho Bop, cho Lawrence và cho cả các bạn khác đứng gần đó cùng nghe...

Thế là từ hôm ấy, bộn trẻ trong lớp bắt đầu có thói quen là hễ ai mới nhận được thư của mẹ gửi đến thì đều rủ Bop cùng đọc chung như một chuyện thường tình hết sức tự nhiên. Một thời gian sau, Bop đã quen miệng hỏi các bạn mỗi buổi chiều chạy ra nhận thư: “Hôm nay tụi mình có thư của mẹ không ?” Và Lawrence cũng như các bạn khác đều trả lời không một chút do dự: “Có, hôm nay tụi mình có một lá đây!”

Câu chuyện đến tai thầy giáo chủ nhiệm là thầy Joe Hargrove.Thầy để ý về hiện tượng Bop được các bạn quan tâm một cách tế nhị và cởi mở dễ thương. Ông quyết định âm thầm và khéo léo tham gia vào “phong trào” này bằng cách soạn ra và cho đánh máy 6 bức thư khác nhau, bỏ vào 6 chiếc phong bì dán sẵn tem, đề tên Bop và địa chỉ trường trung học. Ông đem gửi bưu điện tất cả trong một bao thư lớn kèm theo một lá thư đề nghị bà Lennu chỉ cần ký tên dưới bên dưới câu “mẹ yêu dấu của con” rồi cứ mỗi tuần nhớ gửi về trường cho Bop một lá...

Gần một tháng sau, đúng vào lúc mà Bop đã không còn tin rằng mình sẽ nhận được thư, nên chỉ còn chú ý đến thư của các bạn, thì chợt chiều hôm ấy, cậu học sinh trực phát thư reo lên: “Ồ, các bạn ơi, có thư cho Bop đây, có thư cho Bop đây !” Bop sững sờ, tròn xoe đôi mắt ngây thơ, run run đưa hai tay đỡ lấy lá thư như thể một thiên thần bé nhỏ đang cầu nguyện. Em buột miệng la lớn: “Ôi các bạn ơi, đúng là tên tớ rồi. Tớ cũng có thư đây, mà lại là thư của mẹ tớ nữa đấy ! Anh em ơi, có ai muốn nghe đọc thư của mẹ tớ không nào ?”

Cuộc phát thư dừng hẳn ngay lại. Bọn trẻ nhanh chóng bu lại công kênh Bop cho đứng lên mặt một chiếc bàn, rồi trong giây lát, tất cả đều lặng thinh như chờ đợi một điều gì hết sức thiêng liêng. Bop bắt đầu đọc lá thư: “Con cưng mẹ”, chỉ mới có thế thôi là em đã nghẹn ngào rồi òa khóc. Lawrence vội leo lên đỡ lấy lá thư và đọc thay cho bạn. Lúc ấy không một ai để ý rằng còn có thêm một người nữa cũng đang xúc động đến rướm lệ, đó là thầy Joe Hargrove đang đứng khuất ở một góc phòng...

Thời gian qua đi, ngày bãi trường đã gần đến, Bop nhận thư của mẹ báo tin sẽ đến dự buổi lễ phát thưởng cho những học sinh xuất sắc toàn trường, trong đó có tên Bop, Lawrence và một số bạn thân của em. Điều biến đổi lạ thường đã âm thầm diễn ra trong gia đình của Bop Lennu. Sau loạt thư 6 cái của thầy giáo Joe Hargrove thì bà Lennu đã không còn dửng dưng được nữa, bà đã tự tay viết thư cho con mình đều đặn gần như là mỗi ngày.

Và quả thật, như một phép lạ, khi người ta biết quan tâm đến người khác thì cũng là lúc người ta bắt đầu bớt xung khắc với nhau. Cha mẹ của Bop khi cùng hồi tâm nhớ đến đứa con trai ngoan ngoãn dễ thương của mình, họ đã dần dần hàn gắn được mối bất hòa bấy lâu nay. Cả hai vợ chồng đã trở về đoàn tụ với nhau trong niềm hạnh phúc dành cho nhau và nhất là dành cho Bop yêu dấu...

Trong những tháng chót của năm học, Bop đã hãnh diện khoe và đọc to lên cho các bạn thư của cả cha và mẹ của mình. Bop đang từ thứ hạng trung bình, đã dần dần vượt lên nhất nhì trong lớp. Và thế là mùa nghỉ hè năm nay, Bop sẽ được cha mẹ đến đón về với gia đình, tận hưởng những ngày nghỉ ngơi vui chơi dưới mái ấm của một gia đình hạnh phúc...

Nào có ai ngờ một tâm hồn trẻ thơ và cả một hoàn cảnh gia đình đã được biến đổi thật kỳ diệu như thế, tất cả chỉ được khởi đi bằng một thái độ, một cử chỉ, một hành động nhỏ bé phát xuất từ lòng yêu thương, từ sự quan tâm đến nhau của cậu bé Lawrence, của các em học chung một lớp với Bốp, và nhất là của cả một tấm lòng nhà giáo tận tụy như thầy Joe Hargrove…

Phóng tác theo Louise Baker

Trích:Nối Lửa Cho Đời -Tha thứ
(Lm.Lê Quang Uy DCCT
Sưu tầm và biên soạn)

0 comments :

Đăng nhận xét