Chủ trương về ngừa tránh thai trong giáo dục giới tính của bài báo này nói riêng, của xã hội Việt Nam hiện tại nói chung, không phải là chủ trương của báo Ephata nói riêng, của các Nhóm BVSS và của Hội Thánh Công Giáo nói chung. BBT đăng nguyên văn bài báo chỉ để rộng đường dư luận.
Thống kê mới nhất của Hội Kế Hoạch Hóa Gia Đình Việt Nam thì hiện chúng ta vẫn đang là nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tỷ lệ nạo phá thai ( 32% ) và hiện là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới. Đáng báo động hơn, hơn 20% trong số đó nằm ở lứa tuổi vị thành niên. Cá biệt có những "trẻ" mới 12 tuổi đã phải "lấm lét" bế bụng vào viện.
Điệp khúc "báo động đỏ"
Khảo sát tại một số bệnh viện và các cơ sở tư nhân nạo phá thai cho thấy chỉ mới là những ngày đầu năm thế nhưng khu dành cho việc "giải quyết hậu quả" luôn ở trong tình trạng quá tải.
Trong vai một "đôi vợ chồng sinh viên" chúng tôi đi "giải quyết hậu quả" với lý do: Lỡ dại nhưng hiện không đủ điều kiện nuôi con. Vừa bước vào "khu phố phòng khám tư" nằm trên đường Giải Phóng, Hà Nội, "lớ ngớ" hỏi thăm một chút, không đầy một phút sau đã xuất hiện một phụ nữ tự giới thiệu tên là Loan, khoảng tầm ngoài 40 tuổi kéo chúng tôi ra một góc rồi nháy mắt nói nhỏ: "Cần giải quyết hậu quả phải không, để chị dẫn đi vừa kín đáo, an toàn, giá cả lại phải chăng".
Theo chân người phụ nữ này chúng tôi được dẫn đến một căn phòng, rộng chừng hơn chục mét vuông, được ngăn đôi bằng tấm ri đô bằng vải trắng đã ố vàng. Dọc theo hàng ghế nhựa dựng sát theo bờ tường là gần một chục cô gái nữa đang chờ tới lượt, khuôn mặt cúi gằm hoặc nhìn nhau không biểu lộ cảm xúc. Theo quan sát của chúng tôi thì một nửa trong số đó ở vào độ tuổi từ 18 trở xuống. Tôi dừng mắt lại ở một khuôn mặt còn khá trẻ, không thấy ai đi cùng mà chỉ ngồi một mình viết vẽ loằng ngoằng lên tờ giấy. Lân la làm quen thì được biết cô gái này hiện mới đang học lớp 11, cô không nói là trường nào nhưng điều đặc biệt là mới chỉ khoảng nửa năm nhưng cô đã phải vào cơ sở này đến hai lần. Lần trước là sau đợt nghỉ hè hết lớp 10...
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thị Thúy, Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương cho biết, bệnh nhân đến bệnh viện phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục như: Phá thai chỉ được phép giới hạn đến dưới 22 tuần tuổi, nếu quá thời gian này thì cần phải có hội chẩn và sự đồng ý của giám đốc bệnh viện. Hơn nữa các thai phụ trước khi nạo hút cũng cần phải kiểm tra sức khỏe và làm các xét nghiệm một cách toàn diện và nghiêm túc. Chính vì thế rất nhiều bạn trẻ đặc biệt là những bạn lứa tuổi dưới 18 tuổi do tâm lý e ngại, không muốn rắc rối nên đã tự ý tìm đến các cơ sở tư nhân để giải quyết mà không hề lường hết được những hậu quả vô cùng nguy hiểm có thể phát sinh.
Một bác sĩ ở Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương cho rằng: Các số liệu thống kê về tỷ lệ nạo phá thai hiện nay chủ yếu được lấy từ cơ sở dữ liệu của các bệnh viện, vì thế con số thật sự còn phải cao hơn rất nhiều lần. Phần lớn các bạn trẻ ở tuổi vị thành niên do tâm lý e ngại muốn giấu giếm việc "giải quyết hậu quả" nên thường tìm đến các cơ sở nạo phá chui.
Cần thay đổi quan niệm
Đã có không ít người cho rằng việc giáo dục giới tính hiện nay chẳng khác gì "vẽ đường cho hươu chạy" nên cứ khư khư quan điểm rằng đó là vấn đề tế nhị, riêng tư, không phù hợp với văn hóa phương Đông. Thậm chí khi đưa vào lớp học thì các giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc truyền đạt những kiến thức về giới tính đến các học sinh, từ đó dẫn đến các chương trình giáo dục giới tính có vẻ hơi khập khiễng không được phù hợp khi đan xen cùng các chương trình giảng dạy còn lại.
Còn theo quan điểm của một số chuyên gia trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình thì: Biện pháp trước mắt hiện nay là chúng ta cần phải đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp tránh thai cho cả những em gái ở tuổi vị thành niên, vì hiện tại tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân của giới trẻ đang ngày càng phổ biến và vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Ở một số nước phương Tây hiện nay việc giáo dục giới tính được hướng sâu vào khái niệm "an toàn" có nghĩa là họ bỏ qua khâu "cấm" mà đề cao khâu hướng dẫn làm sao để có một đời sống tình dục an toàn. Trong khi ở nước ta việc "cấm" hoặc "tránh" vẫn là một giải pháp hàng đầu, đã đến lúc chúng ta nên thay đổi để mong thời gian tới sẽ tụt dần khỏi "top" đầu thế giới.
VĂN KHOA – HOÀNG MAI, www.doisongphapluat.com.vn/ 3.3.2011
0 comments :
Đăng nhận xét